Hướng dẫn công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn và thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Một số khái niệm:
a. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của SPHH đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng (TCCBAD), quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (QCKT).
b. Sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng.
c. Công bố tiêu chuẩn áp dụng là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo về tiêu chuẩn áp dụng hoặc các đặc tính cơ bản của sản phẩm, hàng hoá của mình.
Việc thông báo về tiêu chuẩn áp dụng được thực hiện qua hình thức: ghi số hiệu tiêu chuẩn được áp dụng hoặc các đặc tính cơ bản trên nhãn hoặc bao gói sản phẩm, hàng hoá hoặc trong các tài liệu giao dịch, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, và các hình thức thích hợp khác. (Điều 24, Nghị định 127/2007/NĐ-CP).
d. Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.
Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng Phân loại tiêu chuẩn:
– Tiêu chuẩn quốc gia, ký hiệu là TCVN; Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố, Ví dụ TCVN 2355:2012.
– Tiêu chuẩn cơ sở, ký hiệu là TCCS; Do tổ chức, công ty ban hành áp dụng trong nội bộ, ví dụ: TCCS 27:2006/XXX (số hiệu là 27, do công ty có tên giao dịch viết tắt là XXX xây dựng và công bố năm 2006).
đ. Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá,.. phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường,…
Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.
Hệ thống quy chuẩn của Việt Nam bao gồm:
+ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ký hiệu là QCVN; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng và ban hành, ví dụ: QCVN1:2009/BKHCN;
+ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, ký hiệu là QCĐP. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương.
2. Công bố Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS)
Trách nhiệm phải công bố tiêu chuẩn áp dụng (Điều 24: Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BKHCN năm 2018 hợp nhất nghị định hướng dẫn Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Khoa học công nghệ ban hành).
a. Xây dựng TCCS:
Sơ đồ: Đề nghị -> Thu thập thông tin và phân tích -> Lấy ý kiến -> Hoàn chỉnh dự thảo -> xét duyệt và công bố -> Phân phối và soát xét (khi cần).
Phương án xây dựng:
+ Chấp nhận Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN), Tiêu chuẩn Quốc tế (TCQT), Tiêu chuẩn khu vực (TCKV), Tiêu chuẩn nước ngoài (TCNN) tương ứng;
+ Xây dựng mới trên cơ sở sử dụng các kết quả khoa học công nghệ, thử nghiệp, đánh giá, phân tích và thực nghiệm;
+ Sửa đổi, bổ sung TCCS hiện hành.
b. Áp dụng/công bố TCCS:
Người đứng đầu cơ sở xem xét và quyết định bằng văn bản về việc công bố TCCS. TCCS được áp dụng trong phạm vi quản lý của tổ chức công bố.
3. Công bố hợp chuẩn
Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.
Công bố hợp chuẩn là hoạt động tự nguyện. Việc công bố phù hợp tiêu chuẩn tương ứng dựa trên:
+ Kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký thực hiện;
+ Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.
(theo Thông tư 28/2012/TT-BKHCN)
Trường hợp công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn của tổ chức chứng nhận đã đăng ký (bên thứ ba), hồ sơ công bố hợp chuẩn gồm:
a) Bản công bố hợp chuẩn;
b) Bản sao y Giấy đăng ký doanh nghiệp /Giấy đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
c) Bản sao tiêu chuẩn sử dụng làm căn cứ để công bố;
d) Bản sao y bản chính Giấy chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp kèm theo mẫu dấu hợp chuẩn.
Trường hợp công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bên thứ nhất), hồ sơ công bố hợp chuẩn gồm:
a) Bản công bố hợp chuẩn;
b) Bản sao Giấy đăng ký doanh nghiệp/Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh/Giấy chứng nhận đầu tư;
c) Bản sao tiêu chuẩn sử dụng làm căn cứ để công bố;
d) Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn chưa được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì hồ sơ công bố hợp của tổ chức, cá nhân phải có quy trình sản xuất kèm theo kế hoạch kiểm soát chất lượng được xây dựng, áp dụng (theo Mẫu 1. KHKSCL quy định tại Phụ lục III Thông tư 28) và kế hoạch giám sát hệ thống quản lý;
đ) Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì hồ sơ công bố hợp của tổ chức, cá nhân phải có bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý còn hiệu lực;
e) Báo cáo đánh giá hợp chuẩn (theo Mẫu 5. BCĐG) kèm theo bản sao y bản chính Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ công bố hợp chuẩn của tổ chức thử nghiệm đã đăng ký.
4. Công bố hợp quy (khoản 2,3 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN):
Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Công bố hợp quy hoạt động bắt buộc. Hoạt động công bố hợp quy tại các sở chuyên nghành tương ứng.
a) Thủ tục đăng ký công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba). Hồ sơ gồm:
+ Bản công bố hợp quy theo biểu mẫu đính kèm;
+ Bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng kèm theo mẫu dấu hợp quy do tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp cho tổ chức, cá nhân”.
b) Thủ tục đăng ký công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân (bên thứ nhất). Hồ sơ gồm:
– Bản công bố hợp quy;
– Báo cáo tự đánh giá kèm theo bản sao y bản chính Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ công bố của tổ chức thử nghiệm đã đăng ký. Báo cáo tự đánh giá gồm các thông tin sau:
+ Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax;
+ Tên sản phẩm, hàng hóa;
+ Số hiệu quy chuẩn kỹ thuật;
+ Kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật;
+ Cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá.
5. Thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Để có thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm thì đầu tiên Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
5.1. Cơ sở pháp lý:
+ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
+ Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 02/02/2018;
+ Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018;
+ Thông tư 43/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018;
+ Thông tư 38/2018/TT-BNN&PTNT ngày 25 tháng 12 năm 2018.
5.2. Hướng dẫn một số quy định cụ thể:
a) Phân cấp trong quản lý ATTP:
– Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất trong các sản phẩm của cơ sở sản xuất là cơ quan quản lý;
– Đối với cơ sở không thực hiện công đoạn sản xuất nhưng kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý cử từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên do ngành Công thương quản lý;
– Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.
b) Cam kết sản xuất an toàn:
– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
– Thu hái, đánh bắt, khai thác nông lâm thủy sản;
– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
– Sơ chế nhỏ lẻ;
– Kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn.
c) Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP:
– Cấp giấy xác nhận kiến thứ ATTP:
• Hồ sơ đề nghị gồm:
– Đơn đề nghị xác nhận kiến thức ATTP;
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Giấy tờ chứng minh nộp phí và lệ phí.
• Kiểm tra để được xác nhận kiến thứ ATTP;
Trả lời đúng 80% bài kiểm tra thì được cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP.
– Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP:
• Hồ sơ đề nghị gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận ATTP;
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
• Ngoài ra cơ sở cần (Lưu tại cơ sở);
– Giấy xác nhận kiến thức ATTP cho chủ doanh nghiệp và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh;
– Giấy khám sức khỏe;
– Kết quả xét nghiệm mẫu nước sử dụng (QCVN 01:2009/BYT).
d) Công bố phù hợp ATTP:
– Bản công bố phù hợp quy định ATTP;
– Kết quả xét nghiệm mẫu đạt yêu cầu về ATTP;
– Mẫu nhãn hoặc nhãn dự thảo của sản phẩm.
Chú ý: Danh mục các sản phẩm do các bộ quản lý, đề nghị chủ thể tham khảo tại phụ lục II; III; IV của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ.