Chương trình OCOP đang dần nâng cao giá trị sản phẩm cho Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc
Tọa lạc tại xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đã tồn tại hơn 100 năm qua và được biết đến không chỉ trong tỉnh nhà, mà còn nổi tiếng rộng khắp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và thậm chí trong cả nước.
Ngày 30/10/2018, Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Làng nghề có khoảng 42 cơ sở sản xuất hoạt động thường xuyên, với khoảng 295 lao động, sản lượng bình quân khoảng 30 triệu cái/năm, doanh thu bình quân khoảng 40 tỷ đồng/năm.
Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, hiện có 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao gồm: Hộ Kinh doanh Lê Trúc Lâm 02 sản phẩm; Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiết 04 sản phẩm; cơ sở sản xuất bánh phồng Sơn Đốc Dư Xuân 03 sản phẩm và hộ kinh doanh Nguyễn Văn Nguyền 01 sản phẩm. Chương trình OCOP đang mang lại kết quả và giá trị cho Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, giúp cho bà con nơi đây có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.
Chương trình OCOP đang nâng tầm giá trị cho Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc. (Ảnh: Thanh Dung)
Anh Mười Thiết - Chủ hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiết, cho biết: Khi cơ sở của anh có 04 sản phẩm được công nhận 3 sao OCOP, khách hàng đã rất quan tâm đến sản phẩm vì đảm bảo chất lượng, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Nhờ chất lượng sản phẩm được đảm bảo, nên cơ sở của anh đã có sự tăng trưởng nhanh, ổn định, tạo thu nhập cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Anh cũng cho biết thêm cơ sở của anh hiện có từ 8-16 lao động làm việc liên tục, nhưng không đủ sản lượng để cung cấp ra thị trường trong dịp cận tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, sản lượng sản xuất gần như gấp đôi so với ngày thường, bình quân khoảng 10.000 cái/ngày.
Anh Mai Thanh Nghĩa, chủ cửa hàng chuyên bán các loại bánh phồng Sơn Đốc, tại ấp Hưng Bình, xã Hưng Nhượng cho biết: Dịp cận tết này nhu cầu mua bánh phồng Sơn Đốc để làm quà tết tăng cao, trung bình anh cung cấp ra thị trường trên 50.000 cái/ngày, khách hàng đa số ưa chuộng các phản phẩm đạt sao OCOP để sử dụng hơn là sản phẩm thông thường, nhưng hiện các chủ cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm này thường không đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Người tiêu dùng dần lựa chọn các sản phẩm đạt sao OCOP để sử dụng hơn là sản phẩm thông thường. (Ảnh: Thanh Dung)
Chương trình OCOP không những khẳng định được chất lượng, giá trị sản phẩm truyền thống lâu đời của quê hương xứ dừa, giúp cho bà con nơi đây có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu, mà còn tạo niềm vui, động lực, khuyến khích các Cơ sở sản xuất còn lại trong Làng nghề tiếp tục cải tiến bao bì, mẫu mã, nâng cao hiệu quả sản xuất đưa danh tiếng của Làng nghề tiếp tục vang xa, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần đưa quê hương xã Hưng Nhượng của Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng xã nông thôn mới.
Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường... góp phần xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng đắn mà tỉnh Bến Tre đang triển khai thực hiện. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay Bến Tre, có 252 sản phẩm được công nhận, trong đó 192 sản phẩm 3 sao, 56 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 5 sao. Có 112 chủ thể, trong đó, 31 công ty, doanh nghiệp, 19 hợp tác xã, 01 tổ hợp tác, 61 hộ kinh doanh.