Tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong quản lý Chương trình OCOP
Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm là nội dung và nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay tỉnh có 252 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, tuy nhiên quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo phương pháp thủ công, không còn phù hợp. Cụ thể, đối với chủ thể sản xuất thì hồ sơ tham gia đánh giá OCOP rất dày, dài, yêu cầu nhiều chứng chỉ, xác nhận địa phương, quy trình sản xuất khác nhau. Còn đối cơ quan tiếp nhận hồ sơ cần chuẩn bị kinh phí phô tô, lưu trữ hồ sơ,..
Tăng cường hỗ trợ chủ thể sản xuất số hóa hồ sơ trong đánh giá, phân hạng và quản lý sản phẩm OCOP.
Nếu ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào đánh giá sản phẩm OCOP sẽ góp phần rút ngắn thời gian đánh giá, phân hạng, tạo thuận lợi trong quá trình lưu trữ hồ sơ sản phẩm OCOP, nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện, quản lý chương trình OCOP. Đặc biệt, đối với phần mềm số hóa hồ sơ trong đánh giá, phân hạng và quản lý sản phẩm OCOP các chủ thể, cán bộ phụ trách cấp huyện, cấp tỉnh đều có thể cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa thường xuyên nên rất thuận lợi cho công tác quản lý.
Ngày 28 tháng 10 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2499/QĐ-UBND về việc cho phép triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đối với đề tài Nghiên cứu xây dựng mô hình chuyển đổi số trong quản lý Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Đề tài thực hiện nhằm áp dụng công nghệ số trong quản lý chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu của các sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hướng đến thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP online bằng phần mềm.
Trong khuôn khổ của Đề tài, đơn vị chủ trì thực hiện Trung tâm nghiên cứu Địa tin học, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin chương trình OCOP tỉnh Bến Tre. Đồng thời, đang thực hiện xây dựng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ triển khai tập huấn đến địa phương để áp dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Sau khi phần mềm hoàn chỉnh sẽ thực hiện các chức năng như quản lý dữ liệu chương trình OCOP về tiến độ phát triển sản phẩm OCOP, quản lý hồ sơ OCOP, quản lý sản phẩm OCOP cho 06 nhóm ngành, quản lý chủ thể OCOP; Quản lý đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP về hội đồng và thành lập hội đồng chấm điểm, quản lý bộ tiêu chí, quản lý kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; Thực hiện đánh giá chấm điểm online bằng phần mềm; Hỗ trợ chủ thể sản xuất về cập nhật hồ sơ online, truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP,…
Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu sản phẩm OCOP là một giải pháp cần thiết và phù hợp, từ đó không chỉ tạo thuận tiện trong quá trình đánh giá, phân hạng mà còn tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện, thúc đẩy chuyển đổi số trong chương trình OCOP.