Trang chủ Tin Tức Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn từ nghề đan lục bình

Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn từ nghề đan lục bình

Ngày xuất bản : 29/11/2023

Gần 20 năm qua, bà Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1976, ngụ Ấp 2A, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre) miệt mài phát triển nghề đan lục bình và tạo việc làm cho hàng chục chị em phụ nữ tại nông thôn. Từ đó, nhiều phụ nữ ở địa phương có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Tổ hợp tác đan lục bình Ấp 2A, xã Nhơn Thạnh tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.

Dạy nghề cho phụ nữ nông thôn

Trước đây, bà Thuận không có nghề nghiệp ổn định nên ai thuê gì làm nấy, kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2005, UBND xã Nhơn Thạnh tổ chức lớp dạy đan lục bình cho phụ nữ trong xã nên bà tham gia học. Sau khi xong khóa học cấp tốc, thấy chưa nắm vững kỹ thuật đan lục bình nên bà Thuận xin lên công ty chuyên kinh doanh mặt hàng lục bình xuất khẩu tại Khu công nghiệp An Hiệp (Châu Thành) để tiếp tục học nghề. Bà Thuận cho biết: “Thời điểm đó kinh tế gia đình rất khó khăn nên từ sáng sớm tôi phải chạy xe đạp gần chục km để đến công ty học nghề suốt 1 tháng liền. Sau khi rành nghề, tôi về nhận nguyên liệu để đan gia công cho công ty và dạy nghề lại cho các chị em trong ấp để cùng làm”.

Đến năm 2015, địa phương hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác (THT) đan lục bình Ấp 2A, chị Thuận làm tổ trưởng và là đầu mối nhận nguyên liệu, liên kết với các doanh nghiệp để nhận đan gia công. Hiện tại, tổ có 25 thành viên là phụ nữ hầu hết không có nghề nghiệp ổn định nhận nguyên liệu về đan để kiếm thêm thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1971, tham gia THT từ năm 2015 cho biết: “Bản thân tôi không có việc làm ổn định nên chỉ ở nhà phụ lo cơm nước và đưa rước con đi học. Từ khi tham gia đan lục bình gia công, tôi kiếm thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng, số tiền không nhiều nhưng được cái là mình chỉ làm trong thời gian rảnh nên rất phù hợp đối với phụ nữ ở nông thôn”.

Hiện tại, THT đang liên kết với một doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long để đan gia công. Trung bình mỗi tháng, THT nhận khoảng 1 tấn lục bình nguyên liệu và 1.000 khung sắt để đan cho công ty. Bà Nguyễn Thị Lách (sinh năm 1957), thành viên THT cho biết: “Nghề đan lục bình cần sự tỉ mỉ, khéo léo và cả kiên nhẫn nên phù hợp với phụ nữ. Trung bình cứ 2 tuần là chị em tập hợp lại để giao hàng và nhận nguyên liệu về đan tiếp. Khi có mẫu mới sẽ được hướng dẫn kỹ thuật đan vài ngày cho chị em rành rồi nhận nguyên liệu về đan. Đây là nghề rất phù hợp để kiếm thêm thu nhập trong những lúc nhàn rỗi”.

Phụ nữ tham gia đan lục bình gia công để có thêm thu nhập.

Phát triển sản phẩm OCOP

Từ khi thành lập THT đan lục bình, chị em phụ nữ tại Ấp 2A không chỉ liên kết đan gia công cho doanh nghiệp mà còn nghiên cứu các mẫu mới để bán cho khách du lịch. Bà Nguyễn Thị Thuận cho biết: “Khi đi tham quan, du lịch, mình thấy các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bán rất nhiều nên nảy sinh ý tưởng đan các mặt hàng từ lục bình để làm quà tặng cho khách du lịch. Ban đầu làm số lượng ít, khi nhiều người biết, tìm mua nên tôi tập hợp một số chị em có tay nghề cao, đan đẹp để làm ra sản phẩm giỏ xách, nón, chậu hoa… Hiện tại, các mặt hàng này đang bán tại 2 điểm du lịch trong tỉnh, gửi lên TP. Hồ Chí Minh và bán online…”. Từ đó, THT đan lục bình Ấp 2A thu mua nguyên liệu lục bình phơi khô của người dân tại huyện Chợ Lách và TP. Bến Tre giúp tạo việc làm cho lao động thu hoạch lục bình trên sông.

Hiện tại, bà Thuận cùng các thành viên trong THT đang tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo ra nhiều mẫu mới để phục khách du lịch. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nhơn Thạnh Mai Thị Phương Lan cho biết: “THT đan lục bình Ấp 2A giúp lao động là phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương có thêm thu nhập. Hiện tại xã đang hỗ trợ làm hồ sơ, thủ tục để đăng ký sản phẩm OCOP hạng 3 sao nhằm góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là phục vụ khách du lịch mua về làm quà lưu niệm khi đến Bến Tre”.

 

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/

Thẻ tags : Sản phẩm , OCOP