Bưởi da xanh
Câu chuyện sản phẩm
Thiên nhiên đã ban tặng mỗi một vùng miền trên đất nước Việt Nam đều có những đặc điểm về thời tiết, thổ nhưỡng có những loại nông sản đặc trưng mà khi nhắc đến thì mỗi người dân đều biết đến. Thật vậy, nếu nói đến cây dừa, người ta sẽ nhớ ngay đến xứ sở Bến Tre và ngược lại. Nhà thơ Trần Đăng Khoa có viết:
“... tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa đã ra tôi vào trong giấc ngủ tuổi thơ "
Hay nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sáng tác một nhạc phẩm đã đi vào lòng người không chỉ có ở Bến Tre
"Ai đứng dưới bóng dừa, tóc dài bay trong gió
Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre...".
Con người Bến Tre đã bao năm gắn bó với cây dừa, người nông dân chất phác luôn cần cù chăm chỉ chí thú làm ăn nhưng cũng không ngừng tìm tòi, học hỏi. Do vậy, đến thời điểm hiện tại, người dân cả nước đều biết đến Bến Tre với cây dừa và nhiều chủng loại cây ăn trái chất lượng ngon như: sầu riêng Cái Mơn, chôm chôm Chợ Lách, Tân Phú Châu Thành ... ở đây chúng tôi chỉ muốn nhắc đến cây bưởi da xanh.
Cho đến nay chưa có tài liệu nào xác định chính xác nguồn gốc của nó chỉ biết rằng ông Trần Văn Luôn tên thường gọi là ông Sáu Luông (1905-1976), quê ấp An Thuận xã Mỹ Thạnh An, một lần (khoảng năm 1940-1942) trong lúc đi làm ông Sáu Luông có dự tiệc giỗ nhà người bạn ở xã Tiên Thủy (ngày trước gọi là Hàm Long) thuộc Châu Thành cánh tây đã ăn được giống bưởi ngon: khi chín da xanh mởn, ruột đỏ hồng, mọng nước và rất ngọt. Khi về ông không quên mang theo 3 hột bưởi để trồng tại vườn nhà. Đến năm 1958, cũng có vài người biết ông Sáu Luông có cây bưởi ngon nên đến xin nhánh để trồng đó là ông Trần Văn Ân (còn gọi là ông Ba Ân), ông Trần Văn Đắc (còn gọi là ông Hai Đắc) đều ngụ ấp An Thuận B, Mỹ Thạnh An nay thuộc thành phố Bến Tre.
Sau bao năm chiến tranh ác liệt, bom đạn Mỹ tàn phá vùng Mỹ Thạnh An nhưng cây bưởi vẫn đứng vững chịu đựng trên đất nhà ông Hai Đắc cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975.
Từ đó, cây bưởi da xanh được nhân rộng ở vùng đất An Thuận B xã Mỹ Thạnh An. Năm 1996, trái bưởi da xanh lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường qua hội thi trái ngon do Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam tổ chức kết quả đạt giải Ba và nó cũng được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến.
Tiếng lành đồn xa, cây bưởi da xanh đã đồng hành cùng với nhà nông tìm kiếm và sinh sống trên những vùng đất mới: An Định huyện Mỏ Cày Nam, Sơn Định huyện Chợ Lách, huyện Giồng Trôm, huyện Bình Đại, huyện Châu Thành... do đạt chất lượng cao mà qua các hội thi trái ngon bưởi da xanh luôn có giải cao và được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận vào năm 2004 và 2005.
Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre đã có khoảng 4000 ha bưởi da xanh, hàng năm đều có mặt trong hội thi trái ngon của tỉnh và đạt được nhiều giải thưởng danh giá. Đối với xã Tưởng Đa huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre vốn dĩ bao đời nay vẫn là cây dừa. Tuy nhiên, với tinh thần chịu thương chịu khó, từng bước tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của địa phương được phù sa sông Ba Lai bồi đắp, nước ngọt gần như quanh năm, người nông dân đã chọn cây bưởi da xanh để phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
Cây bưởi da xanh được trồng bằng hai phương pháp: chiết cảnh hoặc tháp cảnh. Bưởi được tháp cành tuổi thọ của cây sẽ cao hơn. Tuy nhiên, dù là phương pháp nào thì vẫn cho ra sản phẩm với mẫu mã đẹp, tép bưởi màu hồng tươi, mọng nước, múi tróc, vị ngọt thanh, ít hoặc không hạt.
Với diện tích ban đầu chỉ là một vài hộ, đến nay toàn xã đã đạt 121,29 ha, hội nông dân xã đạ thành lập 1 tổ hợp tác bưởi da xanh với 44 thành viên, đã được công nhận 40 thành viên tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, trong những năm qua đã ký hợp đồng với công ty Hương Miền Tây nhằm tìm đầu ra ổn định cho trái bưởi da xanh.
Tuy nhiên, với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt như thời gian qua hạn và mặn xảy ra sâu và dài dẫn đến nguồn nước ngọt cạn kiệt, cây bưởi da xanh đã phải gồng mình gánh chịu cái nắng nung người, cái mặn đắng lòng ! Tất cả những khó khăn về thời tiết buộc người nông dân phải suy nghĩ đến phương án đối phó “ngăn mặn trữ ngọt" ngay trên mảnh vườn của mình để làm thế nào cho cây bưởi da xanh mãi tồn tại xanh tươi cùng với cây dừa sánh bước trên vùng đất Bến Tre nói chung xã Tường Đa nói riêng.