Dồi thủ Ngọc Ánh
Câu chuyện sản phẩm
Như chúng ta đều biết, Ẩm thực của người Việt không chỉ là những món ăn, công thức chế biến mà đây là một nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống. Với một đất nước có chiều dài lịch sử lâu đời và vị trí địa lý khác biệt, thì mỗi một vùng miền trên dải đất hình chữ S này lại có những món ăn đặc trưng, những món ăn đặc sản riêng biệt không thể hòa lẫn. Nhắc đến ẩm thực vùng đất 3 dải cù lao Bến Tre không thể không nhắc đến sản phẩm dồi thủ một món ăn dẫn dã, tiện lợi, đặc thù của một thời đi mở cõi, hiện nay đã trở thành đặc sản của vùng đất nơi đây.
Tôi đến với nghề làm dồi thủ, nem thịt, chả lụa, lạp xưởng, pate, chà bông… gói gọn trong chữ “Duyên”. Duyên đưa tôi đến với nghề đó là khi người con gái lớn của tôi đi lấy chồng, gia đình chồng của con gái có truyền thống nhiều đời làm nghề nem chả. Sau nhiều lần ghé thăm, bà sui gia ngỏ ý chia sẻ bí quyết gia truyền với tôi nhằm giúp gia đình tôi có thể sản xuất tự chủ nguyên liệu dồi thủ, nem thịt, chả lụa, lạp xưởng, pate, chà bông để bán kèm với bánh mì.
Trước sự động viên của bà xui gia, tôi bắt đầu tìm hiểu nghề làm dồi thủ, nem thịt, chả lụa, lạp xưởng, pate, chà bông. Quê hương tôi – huyện Mỏ Cày Nam xưa nay có nhiều hộ chăn nuôi heo và tổng đàn heo rất lớn, nên nguồn nguyên liệu thịt heo dồi dào. Tuy nhiên chưa có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thịt heo cung cấp cho người tiêu dùng. Trong khi đó, hoạt động chăn nuôi heo của các hộ dân lắm lúc cũng lao đao vì khó khăn đầu ra, thương lái ép giá. Điều đó đã thôi thúc tôi bắt tay vào sản xuất, chế biến các loại sản phẩm từ thịt, trong đó có dồi thủ.
“Vạn sự khởi đầu nan”, đúng vậy tôi đã không còn nhớ nổi mình đã thất bại bao nhiêu lần khi tự tay làm sản phẩm dồi thủ, chỉ biết rằng sau mỗi lần thất bại tôi lại tích lũy được một số kinh nghiệm để từng bước sản phẩm dồi thủ hoàn thiện hơn. Sau những nỗ lực, cố gắng tôi đã thành công với mẻ dồi thủ thơm ngon. Từ cửa tiệm bán bánh mì của tôi dần dần chuyển qua chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm thịt heo như chả lụa, nem thịt, lạp xưởng, dồi thủ… tôi mạnh dạn đăng ký hộ kinh doanh Huỳnh Thị Ánh và sản phẩm Dồi thủ Ngọc Ánh ra đời.
Ban đầu, các sản phẩm từ Hộ kinh doanh Huỳnh Thị Ánh chỉ sản xuất bằng thủ công, sau một thời gian tích cóp một số vốn tôi quyết định trang bị thêm máy móc, thiết bị để sản xuất số lượng lớn và đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bí quyết để làm dồi thủ thơm ngon cần sử dụng nguyên liệu thịt heo tươi và mới giết mổ vì lúc như vậy các nguyên liệu tôi cần như thịt heo nạc mỡ heo, da heo, tai heo… sẽ mềm, không bị dai và dễ dàng chế biến. Các loại nguyên liệu như thịt heo nạc, da heo, tai heo,… được lọc bỏ gân, màng liên kết, rửa sạch máu, lông và tạp chất bám và cắt nhỏ, xay nhuyễn tạo kết dính dễ dàng. Để khử tanh và tạo hương vị thơm ngon, tai heo, da heo sẽ ướp cùng các gia vị khác nhau sau đó sẽ chuyển qua công đoạn xay hạt lựu và phối trộn cũng thịt heo nạc, da heo, tai heo đã xay nhuyễn. Tiếp đến thực hiện định hình, hấp chín bằng thiết bị chuyên dùng và thành phẩm dồi thủ khi đến tay người tiêu dùng có hương vị thơm ngon, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.
Hiện nay, dồi thủ là một món ăn phổ biến nhưng Dồi thủ Ngọc Ánh luôn khiến thực khách say mê bởi có hương vị độc đáo, hấp dẫn riêng… đây là sản phẩm đặc trưng vùng Tây Nam Bộ có vị ngọt đậm chất thịt heo được chăm sóc đặc biệt từ vùng đất Mỏ Cày Nam, thơm ngon kích thích vị giác, ăn hoài không chán.
Hương vị Dồi thủ Ngọc Ánh luôn mang nét ẩm thực đại diện cho văn hóa một vùng đất, tô thêm sắc màu trong bức tranh ẩm thực Việt Nam thấm đậm trong hương vị quê hương, thứ hương vị đậm đà vị dân tộc không thể xóa nhòa và luôn là nỗi nhớ niềm thương vốn không thể nào thay đổi được trong mỗi con người ở tại Bến Tre hoặc ai đó khi có dịp ngang qua được thưởng thức món ăn Dồi thủ Ngọc Ánh.