Rượu đông trùng hạ thảo Phú Lễ
Câu chuyện sản phẩm
Cùng với rượu đế Gò Đen – Long An, Xuân Thạnh – Trà Vinh, Bầu Đá – Bình Định, rượu Phú Lễ - xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre được xếp vào hàng danh tửu của Việt Nam. Tương truyền vào năm 1826, vua Minh Mạng sắc phong và cho thành lập đình Phú Lễ. Để thể hiện tấm lòng tôn kính dành cho nhà vua, dân làng đã dâng lên vua sản vật nổi tiếng của quê hương mình. Đó là loại rượu nếp danh bất hư truyền. Từ đó, loại rượu này còn được gọi là rượu tiến vua.
Yếu tố làm nên sự nổi tiếng và khác biệt của rượu Phú Lễ so với các danh tửu khác chính là hương vị. Khi uống vào, người uống có thể cảm nhận vị cay và đắng ở đầu lưỡi, mùi thơm nơi mũi hòa cùng cảm giác ấm nóng lan tỏa khắp người và cuối cùng là vị ngọt đọng lại nơi cổ họng. Linh hồn của hương vị này do sự kết hợp của hồ men, của nếp, của nguồn nước và bí quyết chưng cất của nghệ nhân làng nghề truyền thống.
Theo nghệ nhân Ba Lan, hồ men là bài thuốc do cha ông truyền lại, gồm 34 vị thuốc bắc như trần bì, quế khâu, đinh hương... cộng với các loại thuốc nam như riềng, rau răm, ớt, trầu... Với liều lượng thích hợp, các vị thuốc này được đem giã nhuyễn, trộn bột gạo lứt nhồi chung cám rồi vo viên, sau đó đem ủ với trấu 1 tuần.
Cùng với hồ men, việc chọn nếp để nấu rượu cũng được các nghệ nhân ở đây đặc biệt quan tâm. Nguyên liệu để nấu rượu là loại nếp mùa dài ngày, khi xay còn nguyên vỏ lụa để khi nấu lên rượu sẽ có mùi thơm. Quy trình nấu rượu ở đây bao gồm sau khi chọn nếp, nghệ nhân sẽ cho nếp vào nồi nước đun sôi (nếp và nước với tỉ lệ bằng nhau), dùng đũa bếp sơ lên vài dạo, nước trong nồi vừa cạn thì đậy vun, bớt lửa. Chừng hai giờ nếp chín, khi này gọi là cơm, thì đổ cơm ra tấm chiếu cói, để nguội và rắc hồ men vào, trộn đều rồi đưa vào chĩnh sành hoặc thùng nhựa để ủ. Đến ngày thứ ba nghệ nhân sẽ chan cơm, nghĩa là cho nước vào cơm lần nữa. Thời gian ủ từ 7 đến 8 ngày. Lúc này cơm đã ủ men trở thành cơm rượu. Quan sát chính hoặc thùng nhựa, ta sẽ thẩy phần cơm lắng xuống đáy, phần nước sẽ có màu vàng nhạt. Đây là lúc nghệ nhân cho cơm rượu vô trả, đậy kín rồi nấu (kháp) rượu. Muốn rượu ngon thì phải sử dụng chất đốt là vỏ trấu và bí quyết giữ lửa. Ngọn lửa phải đắm, cao quá hoặc thấp quá cũng sẽ làm rượu không ngon. Trên nắp trả có ống nhôm dẫn hơi rượu đi qua một bồn nước lạnh. Hơi rượu gặp nước lạnh sẽ ngưng tụ thành chất lỏng rồi chảy xuống đầu ống. Ở phía dưới, nghệ nhân đã đặt sẵn các chai thủy tinh để hứng rượu. Nếu quan sát ta sẽ thấy một màu trắng trong và một mùi thơm đặc trưng lan tỏa.
Trải qua thăng trầm của thời gian, đến nay rượu Phú Lễ với công thức hồ men bí truyền vẫn được người dân nơi đây giữ gìn và truyền lại cho thế hệ sau. Nghề nấu rượu đã trở thành một làng nghề truyền thống của địa phương. Khi hợp tác xã rượu nếp truyền thống Phú Lễ ra đời, chúng ta có quyền tin rằng, danh tiếng của danh tửu này sẽ còn vang xa hơn nữa. Bởi lẽ, nó không chỉ là sản phẩm vật chất mà còn là sản phẩm tinh thần, gắn với sinh hoạt, với nghi lễ, với phong tục tập quán. Đặc biệt rượu Phú Lễ còn gắn với di tích lịch sử văn hóa đình Phú Lễ và di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hát sắc bùa ở nơi đây.
Tổ Ngữ văn trường THPT Phan Liêm biên soạn. Có sự góp ý về chuyên môn của nghệ nhân Ba Lan, Phó giám đốc hợp tác xã rượu nếp truyền thống xã Phú Lễ